Hệ thống tuyển sinh

https://hethongtuyensinh.com


09 chính sách mới về bảo hiểm có hiệu lực từ tháng 01/2016

Sau đây là 09 chính sách mới về bảo hiểm bắt đầu có hiệu lực trong tháng 01/2016:
9 chính sách bảo hiểm xã hội

9 chính sách bảo hiểm xã hội

1. Chế độ thai sản đối với nam

Từ ngày 01/01/2016, Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc với trường hợp sinh thường;
- 07 ngày làm việc với trường hợp sinh phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh 3 trở lên cứ thêm mỗi con thì nghỉ thêm 3 ngày làm việc;
- Trong trường hợp sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Nội dung trên được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

2. Chính sách mới về bảo hiểm xã hội một lần

Từ 01/01/2016, Nghị quyết 93/2015/QH13  về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động sẽ có hiệu lực. Theo đó:

- Người lao động được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động.
- Trường hợp người lao động tham gia BHXH bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau 01 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

Bên cạnh đó Nghị quyết 93/2015/QH13 cũng quy định mức hưởng BHXH một lần đối với người đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện, cụ thể cứ mỗi năm được tính như sau:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng hoặc thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

3. Hướng dẫn điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH

Nghị định 115/2015/NĐ-CP  hướng dẫn điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như sau:
Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH như sau:

- Đối với người lao động (NLĐ) thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

+ Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH trước ngày 01/01/2016: Được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ.
+ Đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ 01/01/2016 trở đi: Thực hiện tương tự trường hợp NLĐ theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định.

- Đối với NLĐ theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định thì tiền lương đã đóng BHXH  để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được điều chỉnh theo công thức sau:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng
Nghị định 115/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 trừ Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

4. Bổ sung tài khoản kế toán cho DN bảo hiểm nhân thọ

Từ ngày 01/01/2016, kế toán áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm (gọi tắt là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ) sẽ áp dụng theo Thông tư 199/2014/TT-BTC.Theo đó:

- Bổ sung các tài khoản kế toán so với chế độ kế toán hiện hành để áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như: tài khoản 337, 416, 624, tài khoản cấp 2 của TK 128, 244...
- Đổi tên một số tài khoản kế toán đã ban hành tại chế độ kế toán hiện hành để áp dụng cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ như: tài khoản 531, 532...
- Không sử dụng một số tài khoản kế toán đã ban hành tại chế độ kế toán hiện hành như: tài khoản 154, 155, 157, 158...
Ngoài ra, Thông tư còn quy định về nguyên tắc, phương pháp hạch toán, mẫu báo cáo tài chính áp dụng cho các doanh nghiệp này.

Những nội dung kế toán không hướng dẫn trong Thông tư này thì thực hiện theo quy định tại chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.

5. 62 loại bệnh chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 1 lần/năm

Từ ngày 01/01/2016, 62 loại bệnh Quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT  chỉ cần xin giấy chuyển tuyến 1 lần/năm.

Thông tư 40/2015/TT-BYT thay thế cho Thông tư 37/2014/TT-BYT.

6. Quy định về mẫu sổ BHXH  từ năm 2016

Theo Quyết định 1035/QĐ-BHXH  về mẫu sổ BHXH và hướng dẫn ghi sổ BHXH đối với cơ quan BHXH, người sử dụng lao động và người tham gia BHXH.

Nhìn chung, mẫu sổ BHXH năm 2016 sẽ không có nhiều thay đổi về phôi sổ, màu sắc sổ, kích thước, chất liệu giấy.

Về nội dung các tiêu thức quản lý người tham gia BHXH có một số điểm mới như:

- Phải ghi quốc tịch của người tham gia.
- Về trường hợp ghi Số Chứng minh nhân dân: Trường hợp người tham gia vừa có chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước thì ghi theo thứ tự ưu tiên chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước.
- Sổ BHXH mới không cần các thông tin về Hộ khẩu thường trú; tên đơn vị và địa chỉ nơi đóng BHXH.

Sổ BHXH đã cấp theo mẫu quy định tại các Quyết định 1443/LĐTBXH, Quyết định 3339/QĐ-BHXH  và Quyết định 1518/QĐ-BHXH  tiếp tục được sử dụng để giải quyết các chế độ BHXH.

Quyết định 1035/QĐ-BHXH có hiệu lực từ 01/01/2016 và thay thế Quyết định 1518/QĐ-BHXH năm 2011; Quyết định 3339/QĐ-BHXH năm 2008.

7. Quy định mới về mã số ghi trên thẻ bảo hiểm y tế

Ngày 16/11/2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Quyết định 1351/QĐ-BHXH  về mã số ghi trên thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thay thế Quyết định 1314/QĐ-BHXH  năm 2014.

Theo đó, mã số ghi trên thẻ BHYT có một số thay đổi như sau:

- Mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 04 ô:

Ô thứ nhất là mã đối tượng tham gia BHYT.
Ô thứ 2 là mức hưởng BHYT.
Ô thứ 3 là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi phát hành thẻ BHYT.
Ô thứ 4 là số định danh cá nhân của người tham gia BHXH, BHYT quy định tại Quyết định 1263/QĐ-BHXH  năm 2014.

- Mã nơi đối tượng sinh sống, gồm 02 ký tự ký hiệu vừa bằng chữ vừa bằng số, trong đó:

Đối tượng có ký hiệu là QN, CA, CY đang công tác hoặc cư trú (thường trú hoặc tạm trú) thường xuyên tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn hoặc xã đảo, huyện đảo, được ghi mã nơi đối tượng sinh sống tương ứng với ký hiệu K1, K2, K3 tại Quyết định này.

Quyết định 1351/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

8. Quy định về thu tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN

Theo Quyết định 60/2015/QĐ-TTg  thì việc thu tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN như sau:

- Trường hợp chậm đóng BHYT từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng NNVN công bố năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

- Trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
- Trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 01 hằng năm, BHXHVN phải có văn bản thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân quy định nêu trên gửi cơ quan BHXH trực thuộc, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an để thống nhất thực hiện.

Quyết định 60/2015/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2016 và áp dụng từ năm ngân sách năm 2016.

9. Chi phí quản lý BHXH, BHTN

Ngày 16/12/2015, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1083/2015/UBTVQH13  về chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2016 – 2018 và việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo đó, Chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2016 - 2018 được thực hiện như sau:

- Mức chi phí quản lý BHXH hằng năm bằng 2,3% dự toán thu, chi BHXH, được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH;
- Mức chi phí quản lý BHTN hằng năm bằng 2,3% dự toán thu, chi BHTN, được trích từ quỹ BHTN.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

 

Tác giả bài viết: tuyensinhketoan.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây