Hệ thống tuyển sinh

https://hethongtuyensinh.com


Phạt đến 200 triệu đồng với hành vi bao che trốn thuế

Tổng cục Thuế vừa ban hành Sổ tay nghiệp vụ kiểm tra nội bộ về công tác xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Mời quý vị cùng theo dõi bài viết sau.
Phạt đến 200 triệu đồng với hành vi bao che trốn thuế
1. Tổ chức tín dụng cũng có thể bị phạt

Sổ tay nghiệp vụ ghi rõ, cơ quan thuế sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện người nộp thuế có những hành vi sau: Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế, chậm thông báo thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế so với thời hạn quy định; khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ khai thuế; chậm nộp hồ sơ khai thuế so với thời hạn quy định; vi phạm các quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế; vi phạm trong việc chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hành vi trốn thuế, gian lận thuế...

Không chỉ quy định chi tiết các hành vi vi phạm của người nộp thuế, qua đó làm cơ sở để xử phạt hành chính, Sổ tay nghiệp vụ về xử phạt vi phạm hành chính còn quy trách nhiệm đối với tổ chức tín dụng, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Theo đó, nếu tổ chức tín dụng, cá nhân có liên quan thông đồng, bao che cho người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế; không thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; không cung cấp hoặc cung cấp không chính xác thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, tài khoản của người nộp thuế nợ thuế tại tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Trước khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với tổ chức, cá nhân, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra thời hiệu, nếu hành vi vi phạm vẫn trong thời hiệu xử phạt thì mới ra quyết định xử phạt. Theo quy định hiện hành, thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế là 2 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm thực hiện đến ngày ra quyết định xử phạt; đối với hành vi khai sai, dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm; hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì thời hiệu xử phạt là 5 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đến ngày ra quyết định xử phạt.

2. Cá nhân bị phạt tối đa là 100 triệu đồng

Khi phát hiện hành vi vi phạm, tùy theo mức độ mà cơ quan thuế áp dụng hình thức xử phạt phù hợp. Với các hành vi vi phạm không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ, cơ quan thuế sẽ áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo. Đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây thất thoát lớn đến ngân sách nhà nước thì theo quy định hiện hành, tổ chức tín dụng có thể bị phạt số tiền lên đến 200 triệu đồng; đối với cá nhân (hộ gia đình, cá nhân) phạt tối đa là 100 triệu đồng.

Đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra xem việc xử phạt có đúng mức đối với từng trường hợp theo quy định không. Theo đó, nếu xác định hành vi trốn thuế, gian lận thuế của tổ chức, theo quy định hiện hành sẽ bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế đã trốn.

Nếu tổ chức tín dụng không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản ngân sách nhà nước đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt phải nộp của người nộp thuế theo Quyết định cưỡng chế của cơ quan Thuế thì mức phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với trường hợp tại thời điểm đó, tài khoản tiền gửi của người nộp thuế có số dư đủ hoặc thừa so với số tiền thuế, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt mà người nộp thuế phải nộp theo Quyết định cưỡng chế của cơ quan Thuế.

Tác giả bài viết: tuyensinhketoan.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây