Nghề kế toán có lịch sử lâu dài gắn liền với lịch sử của nền văn minh nhân loại và là một trong những nghề có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của xã hội loài người. Thời xa xưa, con người chỉ biết sống dựa vào thiên nhiên bằng cách hái quả trên cây hay săn bắt thú rừng. Nhưng càng ngày, những thứ có sẵn trong thiên nhiên ấy càng khan hiếm, trong khi loài người thì cứ sinh sôi nảy nở nhiều lên.
Để có thể duy trì được cuộc sống, con người đã biết trồng các loại cây lương thực, thuần hoá và nuôi thú rừng để làm thức ăn dự trữ khi cần.
Trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi ấy, con người quan sát, ghi chép lại những hao phí lao động đã bỏ ra và kết quả lao động đạt được để so sánh, đánh giá xem trồng cây gì, nuôi con gì và vào khi nào là mang lại nhiều lợi ích nhất.
Việc thường xuyên phải quan sát, tính toán, đo lường và ghi chép của con người đối với các hoạt động trong quá trình sản xuất đã trở nên không thể thiếu. Công việc đó chính là dạng thức sơ khai của kế toán. Khi sản xuất phát triển, của cải làm ra nhiều hơn, làm xuất hiện nhu cầu trao đổi các vật phẩm của những người sản xuất với nhau. Lúc đó, tiền tệ ra đời để thực hiện chức năng môi giới trao đổi. Sự xuất hiện của tiền tệ cung cấp cho con người một thước đo mới để đo lường tất cả các của cải vật chất và từ đó có thể tổng hợp được chúng. Các bạn hãy tưởng tượng 10 kg thóc không thể cộng với 1 con bò, nhưng nếu quy ra 10 kg thóc và l con bò đó ra tiền, thì có thể cộng với nhau.
Từ đây, kế toán xuất hiện với những dấu hiệu như bảng chữ nêm bằng đất sét về tiền, vay nợ…
Tuy nhiên, người ta chỉ coi kế toán là một khoa học khi một người Italia có tên là Luca Pacioli trình bày cách ghi kép (bút toán kép) trong kế toán vào năm 1494. Đây là một phát minh vĩ đại trong quá trình phát triển của kế toán. Nhiều nhà bác học cùng thời đã coi phát minh này ngang hàng với việc phát kiến ra chân lý “trái đất quay xung quanh mặt trời” của Galilê.
Với cách ghi kép, kế toán đã được sử dụng rộng rãi trong các nhà thờ, trang trại, đồn điền, công xưởng… ở khắp
các nước châu Âu.
Kế toán cũng đã đóng góp tích cực vào sự thành công của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất ở châu Âu. Cách mạng công nghiệp phụ thuộc vào những nhà phát minh, các chủ hãng kinh doanh, không phải là kế toán. Nhưng những công ty của họ có thể tồn tại và phát triển nếu không có kế toán một nghề mang tính chuyên nghiệp? Những hãng lớn, đặc biệt là đường sắt đòi hỏi những thông tin mang tính chính xác và hữu ích từ thị trường vốn. Điều này chỉ có những nhân viên kế toán chuyên nghiệp mới đáp ứng được.
Sang thế kỷ XIX, XX, sự phát triển của nền sản xuất đã thúc đẩy sự phát triển của kế toán.
Ngược lại, kế toán đã trở thành một công cụ quản lý hữu hiệu không thể thiếu của nhà quản lý. Ở Mỹ, sự phát triển của kế toán chi phí đã góp phần không nhỏ trong sự phát triển của những tập đoàn khổng lồ.
Máy vi tính xuất hiện tạo nên nhiều biến chuyển tích cực. Từ năm 1950, những nỗ lực lớn nhằm tự động hoá thực hành kế toán đã tiếp tục thúc đẩy kế toán phát triển.
Hiện nay, toàn cầu hoá đang xâm nhập vào mọi hệ thống, người ta bắt đầu cho rằng sẽ có một hệ kế toán khác thay thế cho bút toán kép. Và tất nhiên vai trò của kế toán cũng sẽ được nâng lên cùng với những thành tựu công nghệ thông tin.
Nghề kế toán tại Việt Nam
Lịch sử phát triển nghề kế toán Việt Nam gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước. Nghề kế toán không chỉ là một nghề nghiệp độc lập mà còn là một loại dịch vụ kinh doanh đang hội nhập với quốc tế và khu vực trong thời kỳ đổi mới.
* Giai đoạn khởi đầu của kế toán Việt Nam
Trong những năm chống thực dân Pháp, các cơ sở kinh tế nhà nước là những công xưởng và tổ chức kinh tế nhỏ bé ở hậu phương, do đó kế toán chủ yếu là ghi chép thu chi ngân sách sơ khai.
Đến năm 1948 lần đầu tiên, Bộ tài chính ban hành Thể lệ thu chi và kế toán đại cương của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa theo Nghị định số 1535 do Bộ trưởng Lê Văn Hiến ký.
Hòa bình lập lại, hoạt động kinh tế và yêu cầu quản lý mới đặt ra trước mắt những đòi hỏi phải có hệ thống chế độ kế toán đầy đủ và đồng bộ.
Ngày 11 10 1956, Vụ Chế độ Kế toán được thành lập.
Ngay sau đó, hai chế độ kế toán cơ bản là Chế độ kế toán xí nghiệp công nghiệp và Chế độ kế toán kiến thiết cơ bản đã được ban hành vào năm 1957.
Bộ máy kế toán và quản lý kế toán ở các ngành, các cấp, các cơ sở kinh tế lần lượt được hình thành và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong quản lý kinh tế, tài chính doanh nghiệp.
* Giai đoạn 1961 – 1965
Năm 1961, nước ta bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với mục tiêu đề ra là xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Trong đó, công tác hạch toán kế toán được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Vụ Chế độ Kế toán đã soạn thảo trình Nhà nước ban hành Điều lệ tổ chức kế toán nhà nước. Đây là cơ sở cho xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy và chế độ kế toán từ Trung ương đến địa phương.
* Giai đoạn cải tiến thống nhất kế toán thống kê 1966 – 1970
Giai đoạn này chúng ta vừa xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chống chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ở miền Nam.
Được sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên Xô, miền Bắc đã thực hiện cải tiến hệ thống kế toán theo hướng thống nhất kế toán, thống kê, thông tin theo nguyên tắc hạch toán kinh tế xã hội chủ nghĩa, dựa trên nền tảng hệ thống của kế toán Liên Xô.
Những năm 1970, Bộ tài chính tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kế toán trưởng cao cấp. Hệ thống kế toán Việt Nam và đội ngũ cán bộ kế toán Việt Nam trong giai đoạn này đã được nâng cao trình độ và chất lượng hoạt động một cách đáng kể.
* Giai đoạn thống nhất kế toán trong cả nước 1971 - 1980
Đây là giai đoạn chế độ kế toán ổn định nhất. Sau khi giải phóng miền Nam, chúng ta tiến hành triển khai áp dụng chế độ kế toán thống nhất cho các tỉnh phía Nam. Những năm 1978 1980, công cuộc cải tiến quản lý kinh tế, kế toán ở cơ sở được tiếp tục.
* Giai đoạn đầu đổi mới kế toán Việt Nam theo cơ chế thị trường 1981 - 1990
Trong bối cảnh những điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, năm 1984, Hội nghị Kế toán trưởng Toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức thành công.
Hội nghị đã xác định chiến lược đổi mới và phát triển công tác kế toán ở Việt Nam trong giai đoạn mới.
Từ năm 1988 - 1990, Nhà nước đã ban hành những quy định cơ bản về kế toán trong trong thời kỳ tiền đổi mới mà một số văn bản còn hiệu lực đến ngày nay như: Pháp lệnh kế toán và Thống kê, Điều lệ Tổ chức Kế toán Nhà nước….
Ngày l - 6 - 1989, Câu lạc bộ Kê toán trưởng Xí nghiệp Quốc doanh được thành lập.Đây là tổ chức tiền thân của Câu lạc bộ Kế toán trưởng Toàn quốc và Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam hiện nay
* Giai đoạn cải cách kế toán theo kinh tế thị trường và xu thế hội nhập từ 1991 đến nay
Từ sau khi chuyển đổi cơ chế quản lý từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế việt Nam đã không ngừng phát triển và tạo nên một diện mạo mới cho đất nước.
Hàng nghìn doanh nghiệp mới được thành lập, trong đó chủ yếu là những công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tư nhân…
Đây là một cơ hội rất tốt cho sự phát triển của kế toán. Công việc của nhân viên kế toán cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn, hòa nhập nhiều hơn với kế toán thế giới.
Trong khung cảnh mới đó, đội ngũ những người làm kế toán trở nên đông đảo hơn bao giờ hết. Công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp lý về kế toán và kiểm toán hiện đang được tiến hành khẩn trương. Kế toán Việt Nam đã và đang thật sự bắt tay, tiến tới hòa nhập với bè bạn trên thế giới.
· Một số tổ chức kế toán trong sổ tay của bạn
* Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam VAA
(Vietnam Association of Accountants and Auditors)
Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam là một tổ chức nghề nghiệp của các cá nhân và tổ chức làm nghề kế toán và kiểm toán ở Việt Nam. Hiện nay Hội có gần 8.000 hội viên ở 16 phân hội trên cả nước.
Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam hoạt động với mục đích:
Tập hợp, đoàn kết các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kế toán và kiểm toán ở Việt Nam về sự nghiệp duy trì và phát triển nghề nghiệp.
Nâng cao chất lượng nghiệp vụ chuyên môn, giữ gìn phẩm chất đạo đức nghề nghiệp nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý kinh tế, tài chính đất nước.
Hội nhập với tổ chức nghề nghiệp kế toán và kiểm toán các nước cũng như trong khu vực.
Trên cơ sở đó, chức năng, nhiệm vụ chính của Hội là:
Tham gia với các cơ quan chức năng Nhà nước trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về tài chính, kế toán, kiểm toán và cụ thể hoá, hướng dẫn các chính sách, chế độ, chuẩn mực kế toán, kiểm toán.
Tổ chức tham gia nghiên cứu khoa học.
Tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực tổ chức kế toán và kiểm toán khi có yêu cầu.
Tập hợp và động viên các hội viên giúp đỡ nhau nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn.
Quản lý hoạt động chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của hội viên; tham gia tổ chức bồi dưỡng, thi tuyển cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán và quản lý hành nghề đối với đội ngũ kế toán theo sự uỷ quyền của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thành viên và Hội viên.
Hiện nay, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam là thành viên của Liên đoàn Kế toán Quốc Tế (IFAC), Hiệp hội Kế toán châu Á Thái Bình Dương (CAPA), Hiệp hội Kế toán các nước ASEAN.
* Liên đoàn Kế toán Quốc tế IFAC
Liên đoàn Kế toán Quốc tế IFAC (The Interational Federation of Accountants) là tổ chức toàn cầu dành cho kế toán chuyên nghiệp, thành lập vào năm 1977. Hiện nay, IFAC có 157 tổ chức thành viên ở 118 quốc gia với khoảng 2,5 triệu nhân viên kế toán.
Nhiệm vụ chủ yếu của IFAC là bảo vệ quyền lợi của công chúng, nâng cao tính chuyên nghiệp của kế toán, kiện toàn các chuẩn mực nghề nghiệp kế toán và kiểm toán có chất lượng ngày càng cao góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới.
* Hiệp hội Kế toán châu Á Thái Bình Dương (The Confederation of Asian and Pacific Accountants)
Ý tưởng về thành lập Hiệp hội Kế toán châu Á Thái Bình Dương (CAPA) được đưa ra tại Hội nghị Kế toán khu vực Viễn Đông lần thứ I tại Manila, Philippines năm 1957. Tuy nhiên phải đến năm 1976, CAPA mới chính thức được thành lập.
CAPA là tổ chức nghề nghiệp, đại diện cho các tổ chức kế toán của các quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Hiện CAPA có 31 tổ chức thành viên tại 21 quốc gia.
Nhiệm vụ chính của CAPA là liên kết các thành viên cùng phát triển, thúc đẩy, hỗ trợ để kế toán là một nghề mang tính chuyên nghiệp trong khu vực.