Một số lý do khiến Doanh nghiệp bị đóng mã số thuế:
Quá thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế, sau 3 lần gửi thông báo nhắc nhở đối tượng phải kê khai và nộp thuế, nếu không có phản hồi từ phía tổ chức, cá nhân nộp thuế thì cơ quan Thuế liên hệ với chính quyền địa phương để nắm bắt thông tin và điều tra tình hình thực tế về sự tồn tại của tổ chức, cá nhân nộp thuế. Nếu đối tượng không còn kinh doanh nhưng vẫn cư trú trên địa bàn thì yêu cầu đối tượng thực hiện thủ tục đóng mã số thuế. Nếu đối tượng không còn hoạt động kinh doanh tại trụ sở thành lập doanh nghiệp và không xác định được tung tích thì cơ quan Thuế phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản xác nhận về tình trạng không tồn tại của tổ chức, cá nhân nộp thuế. Cơ quan Thuế thông báo công khai tình trạng không tồn tại của tổ chức, cá nhân nộp thuế…
(Theo thông tư 80/2012/TT-BTC)
1. Bị đóng mã số thuế có được xuất hóa đơn không?
Theo điều 22 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định: Việc Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cụ thể như sau:
"Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.
- Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.
- Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.
- Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế)."
Kết luận: Nếu DN bị đóng mã số thuế mà xuất hóa đơn là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
2. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp bị phạt như thế nào?
Theo khoản 5 điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC ngày 17/1/2014 quy định về việc sử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư này) hoặc hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này).
- Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn và các trường hợp cụ thể xác định là sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Như vậy: Mức phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là: Từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và phải thu hồi lại những hóa đơn đó.